CÔNG THỨC VÀNG CỦA LÀNG CHIẾN LƯỢC
#30Dayschallengepost #Day3
-----------
Nhiều lần trò chuyện với các anh chị đang là chủ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ đều có rất nhiều nỗi băn khoăn trong việc làm thế nào để xây dựng được một chiếc lược marketing cho doanh nghiệp. Các anh chị thừa biết việc các kiến thức có thể tìm thấy trên internet ngày nay không thiếu, nhưng hầu hết thì các bài viết khá chung chung và không có chỉ dẫn cụ thể cho từng bước đi từng giai đoạn, hoặc chính bản thân anh chị cũng không có nhiều thời gian để nghiên cứu.
Một mặt khác, trong nhiều năm đi học và tìm hiểu, mình cũng nhận thấy các hướng dẫn trên các website không đồng nhất với nhau, hoặc nó hơi chuyên biệt cho một lĩnh vực nào đó, câu hỏi mình đặt ra và tìm kiếm đó là có một cách nào mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng cho dù ở bất kỳ ngành nghề nào, lĩnh vực nào và kể cả quy mô nào cũng có thể áp dụng, kể cả việc kinh doanh online đang bùng nổ như hiện nay.
Bài này mình sẽ chia sẽ một công thức (mình sẽ khái quát tổng quát nhé, các bài sau mình sẽ chi tiết từng phần) mà đã được học tại trường doanh nhân PTI và ở lớp cao học của PGSM:
Công thức tổng quát: R- STP-MM - I - C (đừng đọc STP thành MTP nhé :v ), trong đó:
R: Research
STP: Segmentation - Targeting - Positioning
MM: Marketing Mix
I: Implementing
C: Control
Research:
Hay còn gọi là nghiên cứu thị trường, thường các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường dễ thất bại trong việc xây dựng chiến lược là do không có bước này. Với sản phẩm dịch vụ trong tay, thế là cứ nghĩ như cầm đồ long đao bay ra sát phạt thị trường, tin rằng sẽ thống lĩnh quần hùng, ai ngờ đồng không mông quạnh, rồi ôm đao mà chết dần mòn do không có khách hàng (thị trường không có nhu cầu). Thêm nữa là may mắn là thị trường có cơ hội, có khách hàng, nhưng đồ long đao mang ra lại chưa đủ nội công cầm đao (năng lực DN thấp) nên chưa thể chinh phạt, chỉ ở dạng loay hoay uy hiếp. Và dễ thấy nữa là mang đao ra sát phạt, nhưng ngoài kia dân chúng lại dùng tuyệt thế hảo kiếm, tuyệt thế binh đao, long trảo thủ, kỳ lân kiếm(đối thủ cạnh tranh).... toàn hàng khủng ngang cơ hoặc trên đồ long đao, nên bị giang hồ đánh cho bầm dập, lỗ chi phí, rồi thất bại.
Thế cho nên hãy nghiên cứu thị trường xem mức độ nhu cầu bây giờ thế nào, sử dụng các ma trận để phân tích, sử dụng các khảo sát định tính, định lượng khác nhau, để xem thị trường phản ứng hiện tại ra làm sao với sản phẩm dịch vụ của mình, rồi xem bản thân doanh nghiệp đã đủ lực để sẵn sàng cho mục đích sắp tới chưa, hiện tại đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp là ai, họ đang có thế mạnh gì, họ đang có lợi thế gì..... như thế thì DN mới đỡ vất vả và lê lết hơn. Tin chắc rằng với chữ "Research" thôi, DN có thể tiết kiệm hàng đóng tiền cho rủi ro đó nhé.
Segmentation - Targeting - Positioning: Phân khúc thị trường - Mục tiêu DN và định vị thương hiệu.
Một sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ phù hợp với một đoạn thị trường nhất định trong đoạn thị trường đó sẽ có các nhóm khách hàng với cùng những tính chất và đặc điểm nhất định và tất cả sẽ liên quan đến chức năng của sản phẩm hoặc dịch vụ của DN. Hay rõ hơn là sau quá trình nghiên cứu thị trường, DN sẽ tìm ra được và hướng đến phân khúc thị trường phù hợp muốn nhắm đến, trong đó chân dung khách hàng mục tiêu, nhóm khách hàng mục tiêu sẽ nằm ở giai đoạn này.
Sau khi chọn được phân khúc thị trường, DN cần đặt ra mục tiêu cho mình và các mục tiêu đó cần phải hướng tới tinh thần 3 WINS. Doanh nghiệp Win, Khách hàng Win và Xã hội Win, vì chỉ khi mục tiêu của DN gắn liền với xã hội thì DN mới có thể tồn tại lâu dài và ngược lại xã hội sẽ giúp DN đứng vững và tồn tại qua những sóng gió. Các mục tiêu đưa ra cần phải bám sát vào khách hàng mục tiêu và năng lực của DN có thể hương tới, vì các mục tiêu có thể thay đổi theo thời gian, khi doanh nghiệp phát triển, thị trường thay đổi, thì chắc chắn phân khúc cũng có thể thay đổi.
Tuy nhiên trong một phân khúc thị trường không chỉ có riêng DN bạn đang ở đó, có rất nhiều DN khác cũng đang chạy đua với bạn, vì thế cho nên việc định hình vị thế của DN trong tâm trí khách hàng để họ luôn nhớ đến và xếp DN vào những lựa chọn ưu tiên là một điều rất quan trọng. DN bạn là người đi đầu, người thứ 2 hay người nhanh nhất... tất cả nó phụ thuộc và việc DN làm tốt các bước R-S-T trước đó. (Mình sẽ có các bài viết dành cho việc xây dựng chiến lược định vị rõ hơn cho gia đoạn này).
Marketing Mix:
4P - 4C đây là tứ trụ đầu tiên mà tất cả các DN nào cũng cần phải có, và người làm DN phải hiểu các mối liên kết của tứ trụ này quan trọng thế nào đến Core Value (Con người - Sản Phẩm - Công Nghệ )của DN. Điều mình thường thấy là các anh chị từng tiếp xúc họ ít để ý đến việc các mối liên kết, vai trò và thậm chí cả những chiến lược trong các chữ P or C này gắn liền với chiến lược kinh doanh và mục tiêu kinh doanh như thế nào. Ngày nay Marketing Mix không chỉ là 4P 4C nữa, mà có thể lên tới 10P - 12P cho DN hướng tới theo thời gian. Với quy mô của các DN lớn và tập đoàn thì việc xây dựng MM sẽ cực kỳ rộng và cần nhiều nguồn lực, với các DN vừa và nhỏ, bản thân mình khuyên hãy làm tốt 7P đầu tiên đã, kêt hợp thêm các chiến thuật (chiến thuật = kỹ thuật marketing + tập trung vào khách hàng chính). Có thể ban đầu các anh chị sẽ không thấy nó hiệu quả ở đâu, nhưng về lâu dài thì chắc chắn điều đó sẽ giúp DN đứng vững, hạn chế rủi ro và nhanh chóng tiến đến mục tiêu một cách bài bản.
Implementing và Control
Sau khi chọn lựa thành công các chiến lược ở MM, DN cần có đội ngũ và xây dựng kế hoạch thực hiện và các công cụ cũng như tiêu chí để kiểm soát tiến độ, đánh giá hiệu quả trên từng giai đoạn của chiến lược. Áp dụng các công cụ như KPI, mô hình PDCA và SMART để có thể giúp chiến lược của DN đặt được hiệu quả tối đa.
------
Bài này mình chỉ khái quát công thức và mô tả việc cần làm của các giai đoạn trong công thức, mình sẽ có những bài viết bổ sung chi tiết cho từng giai đoạn. Vì một bài viết không thể chỉ hết cặn kẻ được, cần một lộ trình để học, để hiểu và áp dụng.
Nhận xét
Đăng nhận xét